Huỳnh Phương nói đạo lý, không cho Tiến Luật “boom hàng” của shipper
Tập 3 của series hài “Mày hả Bưởi” vừa lên sóng với câu chuyện về boom hàng. Trong đó, các nghệ sĩ Tiến Luật – Huỳnh Phương – Thanh Trần – Nguyên Thảo – Gia Huy SuSu đã mang đến cho khán giả câu chuyện đắt giá về chuyện đặt hàng qua App đồ ăn ở thời điểm hiện tại.
Câu chuyện bắt đầu khi Tiến Luật bị bắt phải đạp xe đi quãng đường 4km để mua bánh bao cho những người bạn của mình. Vì Tiến Luật đi quá lâu nên 2 cô bạn Thanh Trần – Nguyên Thảo mới thúc ép Gia Huy SuSu hãy dùng App đặt hàng món khác. Trong cơn đói bụng cồn cào, Gia Huy SuSu mới đặt món xôi giao hàng trong 10 phút.
Đúng lúc này, Tiến Luật mới quay lại và đưa cho nhóm bạn 6 chiếc bánh bao. Tiến Luật giải thích rằng lý do anh đi lâu là vì xe đạp bị hỏng, phải đạp đi trên quãng đường 4km mới tìm được bánh bao như nhóm bạn yêu cầu.
Đồ ăn đã về, thế là nhóm bạn quyết định hủy đơn hàng xôi đã đặt trước đó không lâu, mặc dù bác shipper lớn tuổi liên tục gọi điện để giục nhóm bạn nhận xôi và trả tiền. Vì cảm thấy việc “boom hàng” là vô lương tâm, Huỳnh Phương liền đứng ra ngăn cản nhóm bạn với lý do:
“Mọi người làm cái gì vậy hả. Mọi người có biết là khi mình đặt đồ ăn, cái người giao hàng là người phải trả tiền. Bây giờ mình không lấy thì người giao hàng sẽ ôm hết những thứ đó. Mọi người là ai? Chúng ta là ai? Chúng ta là thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước. Tại sao lại có những hành động sai trái như vậy. Làm thế là mang tội có biết không”.
Dù nói lý lẽ rất hay ho nhưng đến khi phải chọn lựa giữa món bánh bao mà Tiến Luật vất vả mua về với món xôi được shipper giao đến, nhóm bạn kia vẫn chọn cách “boom hàng”. Huỳnh Phương còn gây choáng khi lật mật bằng cách trả lời qua điện thoại với bác shipper rằng xôi đặt nhầm địa chi, phải giao về đến tận Cần Giờ.
Chỉ vì chút suy nghĩ ích kỷ mà nhóm bạn lại khiến bác shipper già ôm hết cả đống xôi. Câu chuyện đến đây tưởng chừng kết thúc, nào ngờ trong đoạn kết, khán giả mới vỡ ra rằng bác shipper già kia là bố của Nguyên Thảo – 1 người trong nhóm bạn boom hàng.
Cái kết của câu chuyện boom hàng khiến người xem có nhiều suy ngẫm. Trong cuộc sống, đôi khi 1 vài hành động thiếu suy nghĩ lại dẫn đến hậu quả khôn lường. Đối với chuyện đặt hàng qua App, người dùng không nên boom hàng dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Câu chuyện mà “Mày hả Bưởi” truyền tải mang thông điệp ý nghĩa, nhẹ nhàng nhưng sâu cay về cách ứng xử giữa người với người ở thời điểm công nghệ phát triển như hiện tại.