Tọa đàm: GIỚI trong Điện ảnh Hoa ngữ và Văn hóa đại chúng Nhật Bản
Vào ngày 09 tháng 03 tới đây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tọa đàm với chủ đề: Giới trong Điện ảnh Hoa ngữ và Văn hóa đại chúng Nhật Bản.
Diễn giả khách mời:
– TS. Alisa Freedman (ĐH Oregon)
– TS. Phan Thu Vân (ĐH Sư phạm TP.HCM)
– Điều phối: TS. Nguyễn Thị Minh (ĐH Sư phạm TP.HCM)
Đơn vị tổ chức: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Japan Foundation và Nam Thi House.
Thời gian: 9g00 – 11g00, thứ Bảy ngày 09/03/2024
Địa điểm: Nam Thi House (Số 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).
Ngôn ngữ: Tiếng Việt, có phiên dịch tiếng Anh cho diễn giả
Đối tượng tham dự: Học sinh, sinh viên và người quan tâm, yêu thích văn hóa, các vấn đề xã hội liên quan đến giới, giới tính, điện ảnh, văn hóa đại chúng.
Link đăng ký tham dự: https://forms.gle/TYAPQXZc2RivLi5u9
Buổi nói chuyện tháng 3/2024 của dự án “Người trẻ và Giới” sẽ tập trung vào vai trò của phụ nữ với tư cách vừa là người kiến tạo, vừa là đối tượng bị/được kiến tạo trong điện ảnh Hoa ngữ và văn hóa đại chúng Nhật Bản. Căn tính là một khái niệm (bị/được) kiến tạo trong xã hội thông qua nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng kinh tế, sở thích cá nhân, và đặc biệt là giới. Phụ nữ trong xã hội của các nước Á Đông vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi tư tưởng phụ quyền và Khổng giáo, bắt đầu từ thời kỳ phong kiến. Trong xã hội hiện đại, họ sẽ phải giành lại quyền kiến tạo bản thân, kiến tạo văn hóa, đồng thời chịu sự kiến tạo của góc nhìn nam giới ra sao? Điện ảnh và văn hóa đại chúng với tư cách là các lĩnh vực của sáng tạo văn hóa thể hiện những điều này như thế nào? Thông qua buổi trò chuyện, giao lưu, diễn giả sẽ giúp sinh viên và người tham dự tìm hiểu các cách miêu tả, trình hiện giới trong điện ảnh và văn hóa đại chúng ở một số nước Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc), cũng như cách thức phụ nữ tham gia vào các tiến trình này. Từ đó, khán giả có thể tìm về những thực tiễn trong xã hội Việt Nam để cùng tìm ra những cách ứng xử và hành động phù hợp, giúp trao quyền cho phụ nữ, xây dựng xã hội bình đẳng hơn.
Đầu tiên, TS Alisa Freedman từ Đại học Oregon và là học giả Fulbright sẽ trình bày về những người phụ nữ quyền lực đã vượt qua những trở ngại để góp phần tạo nên những hình thức văn hóa đại chúng nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Tác giả cho thấy phụ nữ Nhật đã đối mặt với những lựa chọn khác nhau như thế nào trong công việc và gia đình cũng như khả năng tiếp cận giáo dục và việc làm so với người thuộc những giới tính khác – mà khó khăn của họ xuất phát từ luật pháp, tập quán xã hội, phương thức kinh doanh và nhiều yếu tố khác.
TS Phan Thu Vân sẽ nói về đề tài “Nhân vật nữ trong các tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ của đạo diễn Lý An từ góc nhìn nghiên cứu giới”. Hơn 30 năm trong nghề, đạo diễn Lý An đã đạo diễn 14 phim điện ảnh, trong đó có 5 phim Hoa ngữ là Thôi thủ (Pushing hands) (1991), Hỷ yến (The Wedding Banquet) (1993), Ẩm thực nam nữ (Eat Drink Man Woman) (1994), Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) (2000), và Sắc, giới (Lust, Caution) (2007). Hầu hết các phim của ông đều khắc họa những nhân vật nữ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan đậm tính sâu sắc và độc đáo. Diễn giả sẽ tập trung vào phân tích các nhân vật nữ này, để thấy được nhận thức về giới của đạo diễn Lý An và những thử nghiệm của ông trong việc xây dựng hình tượng nữ.
Về diễn giả:
– TS Alisa Freedman: hiện là Giáo sư nghiên cứu văn hóa và văn học Nhật Bản và nghiên cứu giới tại Đại học Oregon. Cô là tác giả của Tokyo in Transit: Japanese Culture on the Rails and Road, Japan on American TV: Screaming Samurai Join Anime Clubs in the Land of the Lost. Cô cũng là người dịch của The Scarlet Gang of Asakusa (tác giả Kawabata Yasunari), là đồng biên tập của Modern Girls on the Go: Gender, Mobility, and Labor in Japan, và Introducing Japanese Popular Culture. Cô đã xuất bản hơn 30 bài viết về chủ nghĩa hiện đại Nhật Bản, nghiên cứu Tokyo, kinh nghiệm trao đổi học tập, du học, văn hóa giới trẻ, giới, truyền hình, tiếng cười như phê bình xã hội, nghiệp vụ sư phạm, và truyền thông kỹ thuật số, cùng với các tác phẩm dịch thuật văn học Nhật Bản. Các bài viết cho độc giả đại chúng của cô đã xuất hiện trên tờ The Conversation. Cô đã nhận các giải thưởng cho Giảng viên Hỗ trợ Xuất sắc Đại học Oregon năm 2016, Giải NACADA về Giảng viên Hỗ trợ Xuất sắc năm 2017, và Giải Giảng dạy từ xa 2020. Cô Alisa cũng thích trình bày tại các sự kiện văn hóa như hội nghị anime, TED, và Festival Nhật Bản.
– TS Phan Thu Vân: hiện nghiên cứu và giảng dạy Văn học phương Đông tại Trường Đại học Sư Phạm TP. HCM. Cô đồng thời cũng là Trưởng bộ môn Văn học nước ngoài và Phó trưởng khoa Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư Phạm TP. HCM. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Hán Nôm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, cô đã học tiếp 7 năm về Cổ văn và Văn học Trung Quốc, tốt nghiệp thạc sĩ (năm 2007) và tiến sĩ (năm 2010) tại Đại học Phục Đán (Thượng Hải, Trung Quốc). Cô từng là giảng viên thỉnh giảng môn Cổ văn cho chương trình thạc sĩ tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM (2015-2018), được mời tham gia chương trình Giao lưu văn hóa tại Đại học Công nghệ Triều Dương, Đài Loan trong 3 năm liền (10/2017, 10/2018, 10/2019) để giảng một số bài giảng về văn học và văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Á. Cô cũng được mời giảng cho chương trình Close-up Japan của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (6/2021). Cô đã đoạt giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ 1 (2016) với đề tài “Lang tai ký của Inoue Yasushi: Giấc mộng Tây vực từ văn học đến điện ảnh”, giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ 2 (2017) với đề tài “Lịch sử và con người trong một số tác phẩm đề tài lịch sử Trung Hoa – Tây vực của Inoue Yasushi”, giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ 3 (2018) với đề tài “Di sản kí ức trong tiểu thuyết Đôn hoàng của Inoue Yasushi và tiểu thuyết Người khổng lồ ngủ quên của Kazuo Ishiguro”.
Về người điều phối: TS Nguyễn Thị Minh là giảng viên cơ hữu Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP.HCM. Cô đồng thời là học giả thỉnh giảng tại Đại học Oregon (2018) và học giả nghiên cứu Fulbright tại Bộ môn Nghiên cứu Văn hóa Người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Los Angeles (2022-2023). Hướng nghiên cứu chính của cô là văn học so sánh, cải biên điện ảnh từ nghiên cứu giới và ký hiệu học. Cô là người tiên phong trong các chương trình thúc đẩy nghiên cứu giới tại Việt Nam và đã hợp tác xây dựng Tủ sách: Giới và Phát triển của NXB Phụ nữ Việt Nam. Cô là dịch giả, đồng dịch giả, chủ biên của nhiều tác phẩm triết học, nghiên cứu giới và nghiên cứu văn hóa. Các sách cô đã dịch bao gồm: Giữa quá khứ và tương lai của Hannah Arendt (NXB Tri thức, 2020); Lịch sử Triết học – Tập 2 của Johannes Hirschberger (đồng dịch giả, NXB Tri thức, 2020), Yêu sách của Antigone của Judith Butler (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021), Lịch sử vú của Marilyn Yalom (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022), Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới của Jane Pilcher and Imelda Whelehan (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022). Cô đồng thời là người chú giải và hiệu đính Rắc rối giới của Judith Butler (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022). Cô đạt Giải Sách hay năm 2022 cho cuốn Giữa quá khứ và tương lai của Hannah Arendt, Giải sách Quốc gia 2023 cho cuốn Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới. Về phụng sự cộng đồng, cô là người đồng sáng lập The Ladder – Không gian học thuật cho cộng đồng, nơi tri thức hàn lâm được chia sẻ và mở rộng đến mọi người, nhất là người trẻ tại Việt Nam.
Về chuỗi sự kiện “Người trẻ và Giới: Chuỗi sự kiện booktour “Người trẻ và giới” do NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các đơn vị trường ĐH và THPT trên cả nước, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng (có học thuật chuyên sâu có phổ cập kiến thức), như bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa các bạn học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền đang được quan tâm hiện nay. Các bạn sẽ được nói lên các trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội để tất cả cùng nhau tìm ra câu trả lời. Ngoài ra, chuỗi chương trình mong muốn góp phần thúc đẩy sự trao đổi và thực hành về bình đẳng giới, ủng hộ văn hóa đọc trong người trẻ cũng như độc giả trên toàn quốc.