Thông tin sách “Thành phố những lục địa bay”

Thông tin sách “Thành phố những lục địa bay”

Mỗi nhà văn đều có một thành phố hư cấu hoặc phi hư cấu thân thuộc, thường xuyên xuất hiện trong những tác phẩm của mình: với William Faulkner là tỉnh Yoknapatawpha, với Paul Auster là thành phố New York, với Phạm Công Luận là Sài Gòn… và với nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên thì đó là Đà Lạt. Thông qua tác phẩm mới nhất – Thành phố những lục địa bay – Nguyễn Vĩnh Nguyên một lần nữa tái khám phá Đà Lạt dưới những góc độ mới. 

Thanh-pho-nhung-luc-dia-bay-6

Một thành phố ẩn hiện giữa hư cấu và phi hư cấu

Trong Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã trình hiện một thành phố vừa là Đà Lạt, vừa không phải là Đà Lạt như chúng ta từng biết. Đó là Đà Lạt của riêng nhà văn – một thành phố nằm giữa hư cấu và phi hư cấu, ẩn sau những lớp sương mù là muôn ngàn tâm tư lắng đọng – thành phố của những lục địa bay.

Nguyễn Vĩnh Nguyên đã thực hành phương thức dùng cả chữ xen kẽ với hình để thay phiên nhau kể chuyện. Nếu xem Thành phố những lục địa bay là bản giao hòa giữa thực và ảo, thì ở đây, văn bản như một đại diện cho thế giới hư cấu, còn hình ảnh thì lại là đại diện cho thế giới thực. Chính việc tường thuật về thành phố theo lối này đã tạo cho người đọc cảm giác tác phẩm như một bộ phim giả tài liệu (mockumentary), mà ở đây – trong địa phận văn chương – nhà văn đã sáng tạo nên thể loại có thể tạm gọi là giả phi hư cấu. 

Thanh-pho-nhung-luc-dia-bay-3

Với kinh nghiệm nhiều năm làm báo, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã sử dụng không chỉ văn phong sáng tác mà còn lồng ghép song song với văn phong báo chí trong Thành phố những lục địa bay. Ở nhiều phân đoạn, nhà văn thực hiện lựa chọn lối viết ngắn gọn, chỉ đơn thuần tả lại sự kiện, gợi nhớ đến phong cách điểm tin của báo chí nhưng không tạo cảm giác tin tưởng tuyệt đối cho người đọc mà đem lại nỗi mơ hồ, hoài nghi, tựa như khi ta nghe thông tin từ những lời đồn. 

Nỗ lực vượt thoát ranh giới thể loại của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

Không chỉ chơi đùa giữa hư cấu và phi hư cấu, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn chơi đùa giữa hai phân khúc nhỏ hơn trong phân nhánh hư cấu là truyện ngắn và tiểu thuyết. 

Tác phẩm chia làm ba phần chính được đánh số La Mã và không đặt tiêu đề, ba phần này đóng vai trò tương tự như cấu trúc ba hồi trong điện ảnh, cách trình bày cũng gợi nhớ đến thể loại tiểu thuyết. Ở mỗi phần đều có rất nhiều truyện ngắn. Có thể gọi những truyện ngắn này là những mảnh vụn rơi ra từ lục địa kí ức; cũng có thể hiểu nó là những trường đoạn hay phân cảnh trong một hồi của cấu trúc kể chuyện. 

Thanh-pho-nhung-luc-dia-bay-9

Các truyện ngắn được dàn trải đều ở cả ba phần. Phần I có 25 truyện ngắn, phần II có 19 truyện ngắn, phần III có 22 truyện ngắn. Từng truyện ngắn này đều thực sự ngắn với dung lượng từ hai đến ba trang, tiện lợi cho cả những người đọc bận rộn theo dõi câu chuyện. 

Hòa vào thiên nhiên để chiêm nghiệm thân phận con người

Thông thường, con người hiện đại đã quen thuộc với khái niệm “trở về thiên nhiên” sau những bộn bề trong cuộc sống đô thị – nơi không gian sinh hoạt bị những tòa nhà cao chọc trời xâm lấn, vây cùng siết tận. Nhưng trong Thành phố những lục địa bay, có vẻ như với nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, thiên nhiên không phải là nơi để quay về – vì “quay về” đồng nghĩa với việc thiên nhiên và con người vẫn còn là hai cá thể tách biệt, là đối tượng và chủ thể. 

Tuy nhiên, ở tác phẩm này thì thiên nhiên vừa là đối tượng vừa là chủ thể, cả con người cũng đóng cùng lúc hai vai trò ấy. Con người hiểu chính mình thông qua việc hòa vào thiên nhiên; đồng thời, thiên nhiên cũng như một chủ thể có cảm xúc, thầm lặng quan sát tâm tư của con người và trình hiện lại những ghi nhận đó bằng dáng vẻ bên ngoài thông qua cây cối, gió sương, hồ mây… Quan điểm này thể hiện rõ trong truyện Thác – phần truyện mà tác giả dành để miêu tả cái chết của những người tuyệt vọng rồi tìm đến thác để nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Ở đây, có một phép chơi chữ thông minh khi thác vừa là danh từ chỉ nơi chốn, vừa là động từ chỉ cái chết. Như thế, thác-danh-từ đại diện cho thiên nhiên, thác-động-từ đại diện cho con người. Những cái chết trong Thác cho người đọc một cảm thức rằng: cái chết của con người không phải là sự ra đi mà là trở về, để “chuyển hóa vào giới tự nhiên”. 

Thanh-pho-nhung-luc-dia-bay-4

Như vậy là, con người không chỉ sinh ra từ thiên nhiên, chết đi trở về với thiên nhiên, mà thực ra trong lúc ta còn sống, trong lúc trái tim còn bồi hồi nhịp đập, thiên nhiên vẫn luôn song hành cùng con người, thu hết vào lòng mọi tâm tư của con người, không phán xét, không gạn lọc, không chối bỏ – giống như cách mặt hồ thu hết hình ảnh từ những sinh thể xung quanh rồi dịu dàng phản chiếu lại rõ nét, sắc trong, trung thực; giống như chính tình yêu của tác giả dành cho Đà Lạt được thể hiện rất tỏ tường trong Thành phố những lục địa bay.