PHONG CÁCH DÙNG HIỆU ỨNG THỰC TẾ CỦA ĐẠO DIỄN ĐỨNG SAU EVIL DEAD, DON’T BREATHE VÀ ALIEN: ROMULUS
Nhờ đứng sau những bộ phim như Evil Dead (2013), Don’t Breathe (2016) và gần đây nhất là Alien: Romulus (Tựa Việt: Quái Vật Không Gian: Romulus), Fede Álvarez được mệnh danh là một trong những “bậc thầy kinh dị” thế hệ mới tại Hollywood. Phong cách của anh là chuyên dùng những hiệu ứng thực tế (practical effects) để khiến phim thêm rùng rợn. Đây cùng là cách mà nhà làm phim người Uruguay giúp hồi sinh con quái vật Xenomorph trên màn ảnh rộng.
Alien: Romulus đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc
Phong cách dùng hiệu ứng thực tế độc đáo của Fede Álvarez
Những bộ phim kinh dị của Fede Álvarez có điểm chung là kinh phí thấp nhưng doanh thu cực cao và được khán giả hết lời khen ngợi. Lý do là bởi anh đã khéo léo sử dụng hiệu ứng thực tế để khiến phim thêm phần rùng rợn thay vì lạm dụng kỹ xảo điện ảnh.
Nhà làm phim sinh năm 1978 nói: “Với Evil Dead, ý tưởng của tôi là dùng hiệu ứng thực tế đáng sợ hơn. Thời điểm đó, nhiều người lạm dùng máu hay các bộ phận cơ thể bay tứ tung bằng kỹ xảo. Chúng tôi quay ngược thời gian một tí và dùng những gì chân thật nhất. Tôi nghĩ những người yêu thích thể loại kinh dị thật sự thích điều này. Và sau đó là Don’t Breathe, sự hồi hộp là vũ khí mạnh nhất của phim kinh dị, đúng không? Chúng tôi cho vào phim một hành lang vắng, vài thanh niên đột nhập và chẳng có gì nữa cả. Thứ khán giả sợ là những gì không có trên máy quay, những gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Với Evil Dead, Fede Álvarez đã dùng hóa trang và các thủ thuật để tạo ra hình ảnh ác quỷ hay các cảnh giết chóc, máu me. Thậm chí, phân đoạn một nhân vật tự cắt tay cũng mô hình được gắn khéo léo vào cơ thể diễn viên. Vì thế mà bộ phim trở nên chân thật và rùng rợn hơn hẳn. Khán giả như cảm nhận được chính các nhân vật đang hóa thành quỷ dữ, từng bộ phận cơ thể dần mục ruỗng và tàn sát người thân yêu của họ.
Đến Don’t Breathe, Fede lại bắt đầu từ ý tưởng thực tế và sợ hãi nhất mà ai cũng có thể gặp phải – trộm đột nhập vào nhà. Từ đây, bộ phim không hề có bất kỳ kỹ xảo nào can thiệp. Thay vào đó, nhà làm phim sử dụng âm thanh, sự im lặng và ánh sáng để tạo ra sự căng thẳng đến nghẹt thở. Khán giả lo lắng vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với nhóm bạn “xấu sổ” hay ông lão mù đang che giấu bí mật kinh hoàng gì. Và đáng sợ hơn, chuyện này có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta.
Hiệu ứng thực tế tạo nên nỗi kinh hoàng trong Alien: Romulus ra sao?
Fede Álvarez vốn là một fan cứng của Alien và đã giới thiệu ý tưởng về Alien: Romulus cho Ridley Scott từ lâu. Sau Alien: Covenant (2017), dự án của Fede Álvarez đã được bật đèn xanh. Anh chính là sự lựa chọn hoàn hảo cho tác phẩm vì thương hiệu Alien từ lâu cũng nổi tiếng với việc dùng hiệu ứng thực tế. Ở phần phim đầu tiên năm 1979, Ridley Scott đã nảy ra ý tưởng thuê diễn viên mặc trang phục Xenomorph để con quái vật trở nên đáng sợ hơn vì “giống con người nhưng không phải con người”.
Vị đạo diễn người Uruguay tiếp tục “truyền thống” theo một cách độc đáo và rùng rợn nhất. Fede đã chiêu mộ các nhà làm phim đã từng làm việc với Stan Winston – nghệ sĩ hiệu ứng đặc biệt nổi tiếng với loạt phim Terminator, ba phần đầu của Jurassic Park và tất nhiên là Aliens (1986). Một số nhà sáng tạo hậu trường của Alien: Romulus cũng đã từng làm việc trong các phần phim Alien trước đó.
Bối cảnh trạm không gian khổng lồ được ê-kíp xây dựng thật đến từ chi tiết, từ buồng ngủ đông, những hệ thống máy móc cho đến căn phòng chứa phôi ngập nước. Những con Facehugger và Chestburster đều là mô hình robot được chế tạo kỹ lưỡng để chuyển động y như thật. Trong khi đó, Xenomorph là sự kết hợp giữa diễn viên mặc trang phục giống các phần trước và mô hình có máy móc bên trong.
Xenomorph được xây dựng thật không dùng CGI và có thể chuyển động
Fede tiết lộ: “Cách làm này có rất nhiều lợi ích. Một là khi các diễn viên thấy một con quái vật ngay trước mặt, sẵn sàng đớp họ thì diễn xuất sẽ tuyệt vời hơn khi chỉ thấy quả banh màu xanh nhiều. Sự tương tác, cảm xúc giữa cú cắn, gương mặt của họ, cơn gió thổi qua mắt họ, kỹ xảo không làm được điều đó. Thứ hai là về mặt tinh thần. Khán giả muốn có cảm giác như đang ở trong phim thực sự. Họ muốn cảm nhận được con quái vật đó đang rình mò, săn đuổi mình thật sự. Nếu thứ đó là giả thì thật buồn”.
Nữ diễn viên Cailee Spaeny nói thêm: “Yếu tố này thực sự giúp ích cho diễn xuất, vì tôi có thể phản ứng được với những gì xảy ra thực sự trước mặt mình. Và mọi thứ rất kinh ngạc, đồ sộ và tạo ra không khí rùng rợn thật sự. Thật tuyệt vời khi được quay phim trong những bối cảnh và hiệu ứng như thế này.”
Việc áp dụng hiệu ứng thực tế của Fede Álvarez đã giúp Alien: Romulus đã mang lại hiệu quả thực sự cho Alien: Romulus. Bộ phim nhận được vô vàn lời khen với điểm số 82% của các nhà phê bình, 89% của khán giả trên Rotten Tomatoes và 7.5/10 trên imdB. Trang Variety viết: “Đây có thể là một trong những bộ phim hay nhất thương hiệu Alien. Fede Álvarez không làm tôi thất vọng. Thiết kế âm thanh và xây dựng thế giới tuyệt vời. Các hiệu ứng thực tế tốt đến mức bộ phim khiến tôi gặp ác mộng.”
Nhà phê bình phim Courtney Howard mô tả “Alien: Romulus ghê rợn, hấp dẫn và u ám tuyệt đẹp. Fede Álvarez đã mang đến những thứ thông minh, khéo léo một cách sáng tạo trên những cht61 liệu hay nhất một cách tinh tế. Diễn xuất của Cailee Spaeny và David Jonsson rất mạnh mẽ. Thật tuyệt vời!” MovieWeb đánh giá: “Tôi thực sự thích Alien: Romulus. Đây là một bộ phim quái vật đẫm máu với một số phân cảnh thực sự sáng tạo. Màn 3 khiến tôi phải há hốc mồm kinh hãi”.
Alien: Romulus chắc chắn là một trong những tựa phim hay nhất thương hiệu Alien với mức độ rùng rợn và đẫm máu mà bất kỳ fan kinh dị nào cũng không thể bỏ qua.