Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về sự bí ẩn của phụ nữ

Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về sự bí ẩn của phụ nữ

Nhân dịp 8/3 – Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, những tựa sách gợi ý trong bài sẽ giúp người đọc phần nào lý giải sự bí ẩn của phụ nữ, hoặc chí ít, hiểu hơn về sự bí ẩn của họ.

Có thể nói, phụ nữ chính là bí ẩn lớn nhất của tạo hóa. Victor Hugo nói rằng phụ nữ “có một vầng sáng ngọt ngào và bí ẩn còn hơn những vì sao trời”. Còn Vladimir Lobanok thì khẳng định “Tất cả mọi sự bí ẩn của thế giới này đều không thể sánh nổi với sự bí ẩn của người phụ nữ.” Suốt nhiều thế kỷ, người ta tốn không ít giấy mực viết về phụ nữ, miêu tả phụ nữ nhưng đến nay nhiều người vẫn cứ phải thốt lên rằng “Tôi không tài nào hiểu được cô ấy!”. Đúng vậy! Phụ nữ thật dịu dàng nhưng bỗng nhiên cũng có thể trở nên thật gai góc. Họ thật yếu mềm nhưng đôi khi lại mạnh mẽ đến mức bản thân cũng bất ngờ với sức chịu đựng của chính mình. Họ thật tự do phóng khoáng nhưng một lý do đủ lớn cũng có thể khiến họ chu toàn chăm lo cho gia đình. Họ xinh đẹp. Họ khó đoán. Họ can đảm. Và đó chính là sức hút riêng mà thượng đế ban cho phụ nữ.

Những người phụ nữ nổi tiếng

Họ là những người phụ nữ được nhiều người gọi tên. Họ nổi tiếng và có nhiều sức ảnh hưởng. Và nếu như họ không tự kể câu chuyện của mình hoặc được một ai đó tâm huyết dốc tâm tìm hiểu, thì câu chuyện của họ hoặc lý do khiến họ tạo nên cuộc đời mình vẫn mãi là một bí ẩn với những người ngoài cuộc.

1. Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền Lực Bà Rồng

Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền Lực Bà Rồng kể về cuộc đời bà Nhu từ một tiểu thư trở thành người đàn bà quyền lực và kết thúc trong cảnh cô liêu nơi xứ người. Cuốn tiểu sử đầy cuốn hút, riêng tư với kết cục bi thảm của người mà quyền lực chính trị và bản tính sắt đá đã mang lại cho mình danh hiệu Bà Rồng – không chỉ lý giải những điều làm nên sự quyền lực và bí ẩn của bàn, mà đó còn là câu chuyện chưa được kể về chiến tranh Việt Nam.

2. Hồi Ký Bà Tùng Long

Người đọc miền Nam cuối những năm 50 tới đầu những năm 70 quen với cây bút của nhà văn, nhà báo nữ Tùng Long. Bà nổi tiếng ở các truyện gọi là tâm lý xã hội cũng như các mục giải đáp tâm sự của bạn đọc nữ trên các báo hàng ngày hoặc định kỳ. Với bà, “viết là niềm vui muôn thuở của tôi…”, bà đã có trên 60 đầu sách được xuất bản từ năm 1956 – 1972. Sau năm 1975, nhiều tác phẩm đã được tái bản và in mới. Phần lớn các tiểu thuyết của bà đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu. 

Trong Hồi Ký Bà Tùng Long với hơn 350 trang, ngoài những chuyện văn chương, viết lách của một nữ sĩ, cả một giai đoạn lịch sử – chủ yếu là ở Sài Gòn – với nhiều biến động được sống dậy qua ngòi bút của bà.

3. Hồi Ký Nghệ Sĩ Kim Cương: Sống Cho Người – Sống Cho Mình

Vào giữa thập niên 1950, giới mộ điệu sân khấu kịch nghệ, cải lương miền Nam bùng nổ cái tên được giới Ký giả đề tặng “Kỳ Nữ” không ai khác chính là Nghệ Sĩ Kim Cương – Cô Đào Bi đa tài của nền “ẩm thực sân khấu” lúc bấy giờ và được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Đã qua nhiều thập kỷ, giới mộ điệu sân khấu, có người sinh cùng thời, cũng có những thế hệ trẻ sau này, có người biết nhiều, cũng có người chỉ còn nghe đến những cái tên đã trở thành biểu tượng” như “Lá Sầu Riêng”,  đến “Trà Hoa Nữ” hay thậm chí là “Lan và Điệp” thì sẽ nghĩ ngay đến Kim Cương, như một phản xạ vô điều kiện. Và họ, vẫn chưa thôi tìm hiểu về một Nhân Vật như Cô – một Kỳ nữ Kiệt Xuất của sân khấu miền Nam lúc bấy giờ. Đề tài khai thác một cách sâu sắc nhất về cuộc đời của những Nghệ Sĩ Đi Cùng Năm Tháng như Cô vẫn luôn và sẽ là những đề tài không hồi kết.

Tưởng chừng là đơn giản, những phải đến khi trải qua quá nửa cuộc đời, có nhọc nhằn nghiệt ngã, có hạnh phúc nở hoa, Nghệ sĩ Kim Cương mới thật sự muốn viết lại cuốn hồi ký – chút chương sử của cuộc đời mình. Trong Hồi Ký Nghệ Sĩ Kim Cương: Sống Cho Người – Sống Cho Mình, Người “Kỳ Nữ Kim Cương” thay giới mộ điệu, tự nói về mình, bằng mảnh ghép chân thật nhất.

Ngoài ra, bạn có thể đọc thêm về những người phụ nữ phi thường khác qua những tựa sách như: 15 gương phụ nữ – Những bài học thành công, Becoming – Chất Michelle, Đằng sau những nụ cười.

Phụ nữ trong văn chương

Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sĩ xưng nguồn cảm hứng sáng tác của mình là “nàng thơ”. Chính nét đẹp về sự bí ẩn của phụ nữ là yếu tố khiến người ta ví von như cảm hứng thăng hoa của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong văn chương, những nàng thơ không chỉ mang vẻ đẹp dịu dàng huyền bí, họ còn mang theo mình thân phận của thời cuộc và nỗi lòng khó giải bày. Hãy cùng điểm qua một trong những nàng thơ đã làm thổn thức trái tim nhiều người trong văn chương qua một vài cuốn sách dưới đây:

1. Tháo Gỡ Phép Màu

Julie Yip-Williams (1976 – 2018) là một phụ nữ Việt Nam gốc Hoa, theo gia đình sang Mỹ từ nhỏ. Cô bị khiếm thị bẩm sinh nhưng đã vượt khó, tốt nghiệp luật sư tại Harvard Law School, làm việc ở một văn phòng luật danh tiếng và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Cô sống cùng chồng và hai con gái tại Brooklyn. Ở tuổi ba mươi bảy, cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng, khiến cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi. Julie qua đời vào tháng Ba năm 2018 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh. Cô đã sống một cuộc đời được định nghĩa bởi sự nỗ lực và tự lực phi thường.

Trong Tháo Gỡ Phép Màu một cuốn sách cảm động đến nao lòng và chất chứa một cuộc đời mỗi lúc một dễ tổn thương, Julie Yip-Williams đã cởi bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài và định nghĩa lại về chiến thắng. Tác phẩm không chỉ xoáy sâu vào khiếm khuyết và bệnh tật của cô ấy, mà còn thể hiện tình yêu, sự chân thật, niềm hy vọng, sự ích kỷ, thậm chí là cơn giận dữ. 

2. Huyền Trân

Huyền Trân công chúa là cuốn tiểu thuyết không chỉ tái hiện tài tình cuộc đời của nàng công chúa tuyệt sắc thời Trần, không gian văn hóa và lịch sử Đại Việt và Chiêm Thành thế kỷ XIV mà còn đặt ra vấn đề ứng biến đối với những nét tương đồng cũng như dị biệt văn hóa, bên cạnh trách nhiệm, tình yêu với con người, đất nước và dân tộc.

Nếu như chúng ta vẫn thường “lo ngại” lịch sử ở những con số, những sự kiện, tính cứng nhắc, khô khan thì qua thể loại Tiểu thuyết lịch sử này người đọc sẽ có thể dễ dàng hiểu và cảm thụ được những sự kiện, những con người lịch sử ấy một cách nhẹ nhàng, đầy chất văn nhưng cũng không kém phần kịch tính.

3. Truyện Kiều Văn Xuôi: Dành Cho Người Trẻ

Truyện Kiều là tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của nền Thi ca Việt Nam. Người trẻ nào trong thời gian học Trung học cũng có dịp được nghe về Truyện Kiều và học một ít về Truyện Kiều. Nhưng vì Truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển và lại có nhiều điển tích cho nên đối với người trẻ, thưởng thức hết được cái hay của Truyện Kiều là một chuyện không dễ.

Vì vậy tác giả Thích Nhất Hạnh đã cống hiến Truyện Kiều Văn Xuôi như một lời mời mọc những người trẻ trở về thưởng thức những cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều. Đọc xong Truyện Kiều Văn Xuôi, người trẻ sẽ thấy thoải mái khi trở về với nguyên tác bằng thơ.

Ngoài ra, có một vài gợi ý khác cho bạn về những nàng thơ và thân phận của họ trong văn chương như: Đời du nữ (tiểu thuyết của Ihara Saikaku), Nữ sinh (tập truyện ngắn của Dazai Osamu), Những kẻ tuyệt vọng (tiểu thuyết của Minh Tran Huy)…

Những người phụ nữ được gọi là Mẹ

Chẳng ai đong đếm được tình yêu của mẹ và dù ở thời kỳ nào, người ta vẫn không ngừng bất ngờ với những điều một người mẹ có thể làm cho con. Dẫu biết bao nhiêu ngôn từ và trang giấy cũng không nói hết tấm lòng của một người mẹ, nhưng những gợi ý sau đây có thể giúp bạn hiểu phần nào.

1. Mẹ Biểu Hiện Của Tình Thương

Nói đến mẹ là nói đến tình thương bao la, có thể yêu thương con hơn bản thân mình. Mẹ là tất cả những ngọt ngào, êm dịu, ngọt lành để ta lớn lên tươi mát, hồn nhiên.

Mẹ Biểu Hiện Của Tình Thương còn là bài học về cách hành xử của đất, của nước, của lửa, của gió. Dù người ta có rải lên đất những thứ tinh sạch, thơm tho hay những thứ hôi hám và dơ dáy; dù người ta có đổ xuống nước những chất đẹp đẽ đầy hương thơm hay giặt rửa những thứ dơ bẩn và hôi hám; dù người ta có ném vào gió những hương thơm hay sự hôi thối; dù người ta có quăng vào lửa những cái xấu xa dơ bẩn hay đẹp đẽ thanh cao thì đất vẫn thản nhiên, nước không oán hờn, gió không chán chuờng, lửa không buồn tủi… Và vì thế hãy là cái tâm rộng lớn của đất để chuyển hóa, của nước để lưu chuyển, của gió để di động, của lửa để thiêu đốt.

2. Hôm Nay Mẹ Có Vui Không?

Không có công thức trong việc dạy con, không có phương pháp nào là đúng hay sai nhưng chắc chắn có nhiều con đường để trở thành một người mẹ tốt. Một trong những con đường đơn giản nhất đó là trở thành một người mẹ hạnh phúc.

Hôm Nay Mẹ Có Vui Không không chỉ là câu chuyện của một người mẹ đơn thân dũng cảm và kiên cường để hạnh phúc và trao hạnh phúc cho con, đó còn là kinh nghiệm quý báu mà bất cứ người mẹ nào cũng nên biết, đó là cách nuôi dưỡng hạnh phúc của chính mình.

3. Hôm Nay Con Lại Nổi Giận Với Mẹ

Hôm Nay Con Lại Nổi Giận Với Mẹ là cuốn sách gửi gắm yêu thương từ con gái dành tặng mẹ.

Vì luôn nghĩ rằng tình yêu mà mẹ dành cho con là một điều quá đỗi hiển nhiên, vậy nên con vẫn hay tỏ ra cố chấp và nổi giận vô cớ với mẹ. Dẫu nói rằng con mong mẹ hạnh phúc, con mong mẹ mãi vui, nhưng rốt cuộc con chỉ biết ích kỷ nghĩ đến cảm xúc của mình, để rồi quên mất rằng thì ra mẹ cũng đang đau lòng, lẻ loi và muộn phiền biết bao. Thế nên mẹ ơi, con xin lỗi và… cảm ơn mẹ nhiều. Tuy không thể gánh vác thay mẹ tất thảy mọi chuyện trên đời nhưng giờ đây con sẽ luôn ở bên cổ vũ, ủng hộ và bảo vệ mẹ. Con muốn trở thành một cô con gái ấm áp như gió xuân, mỗi ngày yêu thương mẹ nhiều hơn.

Ngoài ra, để hiểu hơn về những khó khăn và tấm lòng của người mẹ, bạn đọc có thể lựa chọn những tác phầm sau: Làm dâu nhà má (sách ẩm thực của Alain Nghĩa), Bông hồng cài áo (sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh), Dành cho mẹ những điều tốt đẹp nhất! – 95 thói quen nuôi con để mẹ không trầm cảm…