Nếu bạn đã từng rớt nước mắt vì “điều ba mẹ chưa kể” thì đừng bỏ qua câu chuyện đời thực này
“My love, don’t cross that river” là bộ phim tài liệu, độc lập nhận được tiếng vang, tình yêu thương từ xứ sở Kim Chi trong suốt thập kỷ qua cùng nhiều lời tán dương và đề cao từ cộng đồng quốc tế.
Nếu bạn đã từng xem qua bộ phim “Điều ba mẹ chưa kể” được phát hành cách đây khoảng một năm, bạn từng xúc động hay sụt sùi nước mắt vì bộ phim này thì đừng nên bỏ qua “My love, don’t cross that river”. Chắc chắn câu chuyện đời thực này sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng.
Tình yêu tuổi xế chiều – bất thường với mọi người nhưng phi thường với duy nhất một người
Ở bộ phim “Điều ba mẹ chưa kể” câu chuyện về bậc cha mẹ đã đến tuổi già và nhiều gánh nặng về bệnh tật tiền tài luôn là thứ bất thường khó chấp dành cho bậc làm con cháu. Tưởng chừng rất đỗi giản đơn nhưng nó lại mang đến những lời nặng nhọc vô tình làm mẹ cha thương tổn. Điều đó lại đúng ở cả phim và đời. Đôi khi tình cảm tuổi xế chiều nó còn nhiều hơn cả chữ yêu, chữ thương và cả những sự hy sinh rất phi thường.
Ở bộ phim “My love, don’t cross that river” này cũng như thế. Đây là bộ phim tài liệu độc lập kể về 15 tháng bên nhau của ông bà Jo Byong-man và Kang Gye-yeul. Họ đã kết hôn 76 năm và sống trong một ngôi nhà nhỏ, nông thôn ven sông ở tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Thời điểm đó, ông gần 100 tuổi, bị mất thính giác và mắc chứng khó thở đôi lúc làm người ta cảm thấy khó chịu. Bà đã gần 90 tuổi nhưng lại có một tinh thần minh mẫn và một tâm hồn rất chi là yêu đời. Tuổi cao sức yếu nhưng ở họ là hình ảnh của những đôi lứa mới vừa chớm nở yêu thương. Khi họ ở cạnh nhau, ông vẫn thường trao cho bà những ân cần nhỏ nhặt nhất mà đôi khi những đôi trẻ còn chưa thể nào sánh bằng.
Sẽ cần đến rất nhiều khăn giấy nếu khán giả là một tín đồ của dòng phim tình cảm lãng mạn khi “My love, don’t cross that river” sẽ là câu chuyện về chặng cuối của câu chuyện tình yêu tươi đẹp gần chạm mốc 80 năm trời. Đây sẽ là hành trình ông Jo Byong-man đối mặt với bệnh tật và hình ảnh rất phi thường của bà Kang Gye-yeul bên cạnh chồng cho đến những giây phút cuối đời.
Theo chia sẻ từ phía nhà làm phim, ông bà Jo Byong-man và Kang Gye-yeul có đến tận 12 người con nhưng 6 người trong số đó đã mất vì bệnh tật. Những đứa con còn lại đã từng đến thăm, chăm sóc và ở cạnh ông bà nhưng nhận lại chỉ là những cãi vã và áp lực về trách nhiệm và nghĩa vụ.
Nhiều nhà bình luận, đánh giá phim đã dùng từ “phi thường” để miêu tả câu chuyện tình yêu trọn vẹn của ông bà bởi lẽ có ít ai đã yêu đến chừng ấy tháng năm vẫn còn có thể cho nhau những điều ngọt ngào nhỏ bé và thậm chí là trọn vẹn ấm áp đến những giây phút mà có một ai đó muốn vội qua sông nhưng một người thì đã trễ hẹn chuyến đò. Cái tên “My love, don’t cross that river” tưởng chừng không liên quan nhưng lại nhiều ý nghĩa như thế khi ngôi nhà mà hai ông bà đang sống cũng gần cạnh một con sông. Đây là nơi gắn bó với ông bà suốt thời gian rất dài, khi việc trèo đèo lội suối là một chuyện vô cùng giản đơn đến lúc bản thân vụng về hơn chỉ còn có thể đi dọc theo đôi bờ mà hoài niệm về những năm tháng của tuổi trẻ.
Tiếng vang lớn tại Hàn Quốc và quốc tế
Nội dung đơn giản nhưng phi thường của “My love, don’t cross that river” đã xuất sắc ghi dấu ấn đẹp về tình yêu, gia đình để trở thành một bộ phim được nhắc đến suốt thập kỷ vừa qua. Bộ phim từng đạt giải thưởng Audience Award (giải thưởng Khán Giả) tại Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế DMZ. Bên cạnh đó đây còn là bộ phim tài liệu, phim độc lập được đánh giá là thành công nhất mọi thời đại về tính thương mại tại Hàn Quốc.
Nếu bạn muốn nhìn tình yêu bằng lăng kính của những những người già hay đơn giản là muốn hiểu hơn về cuộc sống, về khái niệm của một tình yêu mãi mãi và thế nào là cái kết đẹp cho một mối tình thì đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm “My love, don’t cross that river” tại rạp chiếu phim trong tháng 8 này.