“Mai – Marai”: Lưu Diễn Âm nhạc – Múa Chăm Truyền thống và Đương đại tại Đà Lạt

“Mai – Marai”: Lưu Diễn Âm nhạc – Múa Chăm Truyền thống và Đương đại tại Đà Lạt

“Mai – Marai” trong tiếng Chăm có nghĩa là “Về” – “Đến”. 

Ai “về”?

Đó là những bạn trẻ người Chăm, bản thân họ là mỗi chủ thể văn hoá đã ý thức được việc quay về với nguồn cội, văn hoá của mình trên hành trình làm nghệ thuật.

Ai “đến”?

Là những Nghệ sĩ khách mời, những bạn trẻ đến từ khắp mọi miền với những “xuất phát điểm” khác nhau, cùng nhau xây nên một môi trường kết nối, thấu hiểu và chia sẻ văn hoá thông qua ngôn ngữ âm nhạc. 

Theo một cách chơi chữ khác, “Mai” còn có thể hiểu là “Ngày mai” – như một lời hứa hẹn hoặc cũng là lời mời: “Ngày mai – đến nhé”, thể hiện khao khát của thế hệ trẻ Chăm mong muốn kế thừa, tiếp nối văn hoá thông qua sự gặp gỡ trong tương lai.

Poster buổi lưu diễn “Mai – Marai”

GIỚI THIỆU NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

Hagait Ni phối hợp cùng Hội đồng Anh tại Việt Nam và Phố Bên Đồi thực hiện chuyến lưu diễn Âm nhạc – Múa Chăm “Mai – Marai”. Đây là sự kiện viết tiếp cho giai đoạn trước trong chuỗi dự án lưu trữ và phát triển Âm nhạc Chăm Hagait Ni!? (Gì đây!?), với sự tham gia và ứng tác của các nghệ sỹ, nghệ nhân Chăm và các nghệ sỹ khách mời. Về mặt chuyên môn tác phẩm, nếu giai đoạn trước các nghệ nhân Chăm tập trung vào các tác phẩm truyền thống trước khi ứng tác với nghệ sĩ khách mời thì trong  vở diễn lần này, dự án sẽ có sự thay đổi về phương pháp tập luyện. Các nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ Chăm sẽ chia từng cụm ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để ứng tác với từng cụm khí nhạc của các nghệ sĩ khách mời.

Chuyến lưu diễn Âm nhạc – Múa Chăm “Mai – Marai” với sự tham gia và ứng tác của các nghệ sỹ, nghệ nhân Chăm và các nghệ sỹ khách mời

“Mai – Marai” hứa hẹn sẽ mang đến cuộc đối thoại không chỉ dừng lại trong khuôn khổ chương trình mà còn về các khả năng khác trong lưu trữ và phát triển văn hoá truyền thống, đó là tiếng lòng của thế hệ trẻ Chăm trong ý thức bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt là âm nhạc Chăm trong xã hội hiện đại ngày nay. Giai đoạn 03 của chương trình hiện đang nhận sự hỗ trợ của Hội đồng Anh – dự án Di sản kết nối và đồng hành bởi Nhà Hát Đó (Nha Trang) và Phố Bên Đồi (Đà Lạt)

THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNHĐơn vị tổ chức: Nhóm nghệ sĩ Hagait Ni & Phố Bên Đồi
Đơn vị hỗ trợ: Hội đồng Anh tại Việt Nam (British Council Vietnam)Link sự kiện (Facebook): https://www.facebook.com/share/5jrorP2WWZXzagf2/
Hình thức – Loại hình biểu diễn : Biểu diễn Âm nhạc – Múa Truyền thống & Đương đạiCách thức đăng ký:
Đăng ký qua biểu mẫu: https://forms.gle/FJnMdZY1CUm4RzCo8
(Chương trình đăng ký miễn phí – Phù hợp cho mọi độ tuổi)
hoặc Liên hệ Hotline Phố Bên Đồi: 0974 110 770 để đăng ký – xác nhận tham dự (đối với chương trình ở TP. Đà Lạt – ngày 05/08/2024)

Thời gian & Địa điểm:
Tại Đà Lạt: Ngày 05/08/2024, Phố Bên Đồi Creative Studio, Số 10 Đường Lý Tự Trọng, Phường 2, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng
Lịch trình chi tiết:
14h00 – 15h00: Workshop – Chia sẻ từ nhóm Hagait Ni về dự án
19h00 – 20h30: Biễu diễn & Giao lưu với khán giả

Về dự án bảo tồn và phát triển âm nhạc Chăm “Hagait Ni”:

Dự án Lưu trữ và Phát triển Âm nhạc Chăm là một trong bốn dự án trong khuôn khổ Quỹ Hỗ trợ nhỏ – Di sản Văn hóa và Phát triển bền vững của Hội đồng Anh Việt Nam – British Council Vietnam, hướng tới việc tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lên ý tưởng và triển khai các sáng kiến sử dụng di sản văn hóa như một nguồn lực đóng góp vào sự phát triển bền vững tại địa phương.

‘Hagait ni’ được phiên âm ra theo ngôn ngữ nói hàng ngày của người Chăm, dịch sang tiếng Việt là “gì đây’”. Dự án lấy tên Hagait ni!? – Gì đây!?, như là lời nhắc nhở về việc phải tự vấn cho những gì bản thân đang làm, và đề bạt một sự nhìn nhận khách quan với điều đang hiển hiện xung quanh để từ đó có thể soi chiếu hành động và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. 

Với xuất phát điểm đến từ những suy tư cá nhân của các nghệ nhân Chăm trẻ về việc gìn giữ âm nhạc dân tộc thông qua việc kết hợp tính đương đại với những chất liệu truyền thống, dự án là sự phản hồi của thế hệ trẻ với giá trị truyền thống của dân tộc, mở rộng ra những cách làm mới đối với âm nhạc Chăm, sâu xa hơn là tìm tòi câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào âm nhạc Chăm nói riêng và văn hoá Chăm nói chung có tiếng vang xa hơn ngoài phạm vi cộng đồng. Sự kiện đầu tiên của Hagait Ni là buổi trình diễn “Kauthara” được diễn ra vào tháng 1 năm 2024 tại TP. Nha Trang với sự tham gia của 8 nghệ nhân, học giả Chăm, 4 nghệ sỹ khách mời và hơn 80 khán giả trong và ngoài địa phương.