Chuyên gia y tế: “Chung sống hòa thuận với HIV là điều hoàn toàn có thể”

Chuyên gia y tế: “Chung sống hòa thuận với HIV là điều hoàn toàn có thể”

Dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp phòng chống HIV/AIDS, các bác sĩ trực tiếp tư vấn và hỗ trợ cho hàng ngàn người có H tại Việt Nam hy vọng xã hội sớm chấm dứt những định kiến đối với loại bệnh này, đặc biệt khi các phương pháp điều trị và phòng ngừa đã và đang giúp HIV không còn là trở ngại trong cuộc sống của bất cứ ai. 

Cái níu tay để lại day dứt

Một chiều Sài Gòn năm 2003, Trung tâm Tham vấn Hỗ trợ Cộng đồng quận Bình Tân (sau này là Trung tâm Y tế quận Bình Tân) đón một vị khách đặc biệt. Cậu bé Thành* trong bộ đồ màu trắng kháu khỉnh, chạy lướt qua bãi cỏ cao tới ngang thắt lưng, vội cất lời ngay khi sà vào lòng cán bộ y tế: “Bác sĩ cho thuốc con uống”. Gần 20 năm trôi qua, cảm giác áy náy và bất lực trước câu nói của Thành vẫn in sâu trong tâm trí bác sĩ Võ Hữu Phước – bác sĩ điều trị HIV/AIDS của trung tâm tham vấn lúc bấy giờ và hiện công tác tại Khoa Tham vấn – Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). 

z-5

“Vì lúc ấy mình chưa có thuốc ARV, những gì có thể làm cho họ chỉ là tư vấn và xét nghiệm HIV, nếu kết quả dương tính thì chỉ có thể chuyển họ lên tuyến trên”, bác sĩ Phước bồi hồi nhớ lại. Trường hợp của Thành – bệnh nhi nhiễm HIV từ người mẹ quá cố – chỉ là một trong hàng nghìn người có H từng tìm đến các trung tâm y tế tuyến quận, huyện nhưng không thể tiếp tục điều trị ở đó.

Tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS từ năm 2001 và điều trị HIV/AIDS từ năm 2006, bác sĩ Phước thấy mình trong 5 năm đầu tiên như “chiến sĩ ra trận tay không vũ khí”. Giai đoạn 2001-2006, hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, trang bị cho cộng đồng kiến thức về các con đường lây nhiễm H và biện pháp phòng ngừa bên cạnh việc áp dụng phác đồ điều trị HIV bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, tại quận Bình Tân và một số phòng khám địa phương chưa được triển khai thuốc ARV. Do đó, trung tâm tham vấn nơi bác sĩ Phước từng làm việc gặp hạn chế nhất định trong tiếp cận thuốc và khó đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, nhóm người sống chung với H đến từ rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thời gian đầu, HIV/AIDS tại Việt Nam xuất hiện chủ yếu ở đối tượng tiêm chích ma túy và mại dâm. Sau này, các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm H dần chuyển sang nhóm quan hệ tình dục không an toàn và nam quan hệ đồng giới (MSM). Điểm chung của người có H là tâm lý e dè, mặc cảm, tự kỳ thị và sợ bị kỳ thị, ngại di chuyển đến nơi khám chữa bệnh vì lo ngại bị lộ tình trạng sức khỏe. Nếu cơ sở đầu tiên tới tư vấn và xét nghiệm không được trang bị công cụ điều trị, họ dễ từ bỏ cơ hội tiếp nhận hỗ trợ y tế về sau này. 

Bình minh mới của hành trình phòng chống H

Năm 2006, Khoa Tham vấn – Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Bình Tân (hiện nay là Trung tâm Y tế quận Bình Tân) tiếp nhận viên thuốc ARV đầu tiên, đồng thời triển khai lứa bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV ngay tại địa phương. Thuốc ARV lúc này được đồng loạt đưa vào điều trị cho cộng đồng tại các quận huyện khác nhờ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. 

z-2

Người có H không có nguy cơ lây truyền virus HIV qua đường tình dục khi uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt được và duy trì tải lượng virus HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu). Đây còn gọi là trạng thái K=K, tức “Không Phát Hiện = Không Lây Truyền”. Tải lượng virus HIV càng cao thì khả năng lây truyền càng lớn, bởi vậy điều trị bằng thuốc ARV là điều vô cùng quan trọng để đưa tải lượng virus xuống thấp đến mức không thể đếm được khi xét nghiệm, đồng nghĩa rằng người có H không thể lây nhiễm virus sang một bạn tình âm tính với H. Thuốc ARV cũng được dùng cho người chưa mang virus để phòng ngừa lây nhiễm H, hay còn gọi là chương trình PrEP dự phòng trước phơi nhiễm. 

“Trước đây khi kiến thức về phòng chống HIV chưa thực sự phổ biến, nhiều người lo ngại khi sinh con sẽ lây HIV từ mẹ sang con. Thậm chí có nhiều phụ nữ còn được khuyên nên chấm dứt thai kỳ. Nhưng thực tế, nếu tuân thủ uống thuốc điều trị HIV đều đặn thì họ vẫn có thể sinh con bình thường. Tôi rất vui khi nhiều bệnh nhân nữ từng được mình điều trị giờ đã lập gia đình và sinh con khỏe mạnh không nhiễm H”, bác sĩ Vũ Đức Khôi – bác sĩ điều trị HIV/AIDS của Khoa Tham vấn – Hỗ trợ cộng đồng tại Quận 4, TP. HCM chia sẻ. 

Trên phương diện xã hội, hiệu quả được chứng minh của các công cụ điều trị và dự phòng HIV đã có tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS. “Một bệnh nhân nam của tôi dẫn bạn gái đến xét nghiệm HIV để chuẩn bị kết hôn. Khi tôi tư vấn riêng với bạn nữ, cô ấy kể rằng đã biết rất rõ sức khỏe của chồng sắp cưới. ‘Có HIV thì uống thuốc, bình thường mà bác’, lời đó của bạn nữ khiến tôi càng hy vọng rằng sự kỳ thị đối với người có H sẽ sớm được xóa bỏ”, bác sĩ Phước tâm sự.

Hy vọng mạnh mẽ vào mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS năm 2030

Sau hơn 20 năm triển khai các hoạt động phòng chống và điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc, theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Việt Nam hiện có 1.345 phòng xét nghiệm sàng lọc, 201 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính; hơn 161.000 bệnh nhân đang điều trị ARV; 32.000 người sử dụng PrEP đều đặn; các phác đồ điều trị liên tục được cập nhật và thuốc mới được cấp phép. 

z-3

Với sự hỗ trợ của các tổ chức như VAAC, Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) tại Việt Nam, y bác sĩ về HIV tại địa phương có thể triển khai điều trị nhanh cho bệnh nhân trong ngày, trong tuần. Người có H cũng như đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao cũng có thể dễ dàng tiếp cận thuốc điều trị và dự phòng.“Cần nhìn nhận rằng, HIV không còn là căn bệnh nguy hiểm giống thời xưa nữa. Hãy coi HIV như một bệnh mãn tính có lây, cần uống thuốc mỗi ngày giống như các bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, tiểu đường. Đặc biệt, thuốc điều trị HIV trong giai đoạn này được hỗ trợ từ nguồn của bảo hiểm y tế và một phần của dự án tài trợ. Chỉ cần điều trị và phòng ngừa đúng cách, HIV sẽ không còn là trở ngại trong cuộc sống của bất cứ ai”, bác sĩ Phạm Ngọc Huệ – Phó Khoa Tham vấn – Hỗ trợ cộng đồng thuộc trung tâm Y tế huyện Bình Chánh cho biết.