CHIA SẺ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU “CÓ PHẢI BỞI VÌ TÔI LÀ LGBTI?”VÀ TỌA ĐÀM “HƯỚNG TỚI HÒA NHẬP VÀ BÌNH ĐẲNG THỰC CHẤTNƠILÀM VIỆC”

CHIA SẺ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU “CÓ PHẢI BỞI VÌ TÔI LÀ LGBTI?”VÀ TỌA ĐÀM “HƯỚNG TỚI HÒA NHẬP VÀ BÌNH ĐẲNG THỰC CHẤTNƠILÀM VIỆC”

Thứ Hai, ngày 26 tháng 06 năm 2023 – Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức buổi chia sẻ kết quả nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” 2023 và tọa đàm “Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất nơi làm việc” trong khuôn khổ chiến dịch Tôi Đồng Ý, hưởng ứng tháng Tự hào Quốc tế. Sự kiện trực tuyến trên nền tảng Zoom và Facebook và nhận được sự tham dự của các khán giả quan tâm, cộng đồng LGBTI và các tổ chức làm việc về quyền LGBTI và đại diện các doanh nghiệp.

Nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBTI”

Khảo sát “Có phải bởi vì tôi là LGBT?” đã một lần được Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE thực hiện một lần vào năm 2015. Báo cáo nghiên cứu cho thấy một cách toàn diện trải nghiệm phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBT tại Việt Nam và đã thực sự cho thất, cộng đồng LGBT đã gặp phải những sự kỳ thị và sự phân biệt đối xử nghiêm trọng ở đa dạng các môi trường như: trường học, nơi làm việc, cơ sở y tế và các không gian công cộng. Kết quả của khảo sát năm 2015 đã cho thấy: Gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%). Người chuyển giới cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến, khiến họ thường chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà khó giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn. Người LGBT đối mặt với những nhận xét, hành động tiêu cực từ cả đồng nghiệp, sếp và khách hàng, đối tác, với tỷ lệ cao từ 33% tới gần 50%. Các hành vi phân biệt đối xử khác mà người tham gia khảo sát báo cáo còn có: bị hỏi thường xuyên về đối tượng yêu đương, ghép đôi với đồng nghiệp khác giới. Giải pháp tìm tới những nơi làm việc có chủ là LGBT, hoặc dành cho LGBT, đôi khi lại không phải giải pháp tốt nhất vì phải đối mặt với phân biệt đối xử từ chính những người trong cùng cộng đồng.

Các con số này đã được trích dẫn nhiều lần trong nhiều nghiên cứu và dự án về cộng đồng LGBT tại Việt Nam và cung cấp một cái nhìn toàn thể về tình hình, thực trạng cuộc sống của người LGBT trong xã hội, tạo tiền đề cho các tiến trình đưa ra dự thảo luật và chính sách tại Việt Nam.

Năm 2022, trong bối cảnh xã hội đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm thiểu phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới và đặc điểm giới tính với người LGBTI, viện iSEE cập nhật thông tin và tiến hành khảo sát “Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” để đưa ra phản ánh rõ ràng và chân thực nhất dựa trên các trải nghiệm phân biệt đối xử thực tế trong các môi trường xã hội có sự hiện diện của cộng đồng LGBTI, bao gồm cả các nhóm đa dạng giới và tính dục khác tại Việt Nam.

Khảo sát có sự tham gia của 2497 người ở 62 tỉnh thành của Việt Nam đã trả lời hoàn thiện bảng hỏi trực tuyến, 23 cá nhân tham gia phỏng vấn sâu được lựa chọn ngẫu nhiên từ những người trả lời bảng hỏi trực tuyến và thông qua các mạng lưới/hội nhóm cộng đồng dựa trên trải nghiệm về phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực bởi xu hướng tính dục, bản dạng giới và đặc điểm giới tính của họ.

Kết quả nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” năm 2023

Buổi công bố kết quả nghiên cứu nhằm nhấn mạnh vào sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng người LGBTI trong môi trường làm việc theo những trả lời của người tham gia khảo sát “Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” năm 2023.

Các câu trả lời trong bảng hỏi của khảo sát cho thấy: Trong môi trường làm việc, 55% tổng số người tham gia khảo sát đã và đang đi làm, trong đó cứ 4 người thì có ít nhất 1 người thỉnh thoảng nghe, nhìn, đọc được những nhận xét, bình luận tiêu cực về LGBTI từ đồng nghiệp (23.5%); tỷ lệ nghe được những điều này từ cấp trên là 17.9%, và từ khách hàng, đối tác là 16.3%. Đây là những hành vi được đánh giá là cá biệt, thỉnh thoảng xảy ra.

Nhóm chuyển giới thường xuyên gặp nhiều trở ngại hơn trong quá trình đi làm, như người chuyển giới nữ bị hạn chế thăng tiến (10.5%), hoặc bị buộc mặc đồng phục không đúng mong muốn (21.4%), bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí (5.3%), và 11.8% người chuyển giới nam cho rằng mình thường xuyên bị từ chối các phúc lợi lao động (bảo hiểm sức khỏe, thăm khám sức khỏe định kỳ, chính sách phúc lợi đi kèm cho người thân..). Khoảng 90 người trả lời trong mục ‘có’ các chính sách bình đẳng giới và tôn trọng sự đa dạng cho biết, công ty của họ có các thực hành, chính sách thành văn ở các mức độ khác nhau để thúc đẩy đa dạng và dung hợp tại nơi làm việc.

Báo cáo nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” năm 2023 nhằm tiếp tục gợi mở các thảo luận về công nhận và bảo vệ quyền của người LGBTI trong môi trường công sở trong bối cảnh hiện nay với đại diện của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu hướng đến sự thừa nhận và đấu tranh quyền cho người LGBTI một cách thực chất hơn. Điều này thể hiện thông qua việc thay đổi văn hoá nội bộ hoặc các chính sách trong

công ty, doanh nghiệp và tổ chức đối với nhân viên là người thuộc cộng đồng LGBTI. Các hoạt động này được khuyến khích thay đổi và cải thiện song song cùng các chiến dịch truyền thông và tiếp thị hưởng ứng Tháng Tự hào Quốc tế.

Nghiên cứu cũng đề xuất một số khuyến nghị liên quan đến các vấn đề về việc làm và lồng ghép giới: Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, cơ quan chuyên môn phụ trách các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc và thụ hưởng các chính sách xã hội cần: xem xét mở rộng các khái niệm về giới, bản dạng giới trong quá trình tham vấn sửa đổi luật Bình đẳng giới 2006, đồng thời xem xét lồng ghép vấn đề chống phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục vào các hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019. Các mạng lưới liên quan đến doanh nghiệp cần thúc đẩy nhiều hơn các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng, dung hợp với các nhóm đa dạng giới nơi công sở. Điều này tạo ra cơ chế ba bên hữu hiệu để bảo vệ người lao động LGBTI trong các trường hợp bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng, trả lương hay chế độ lao động khác. Bên cạnh đó, các biện pháp giáo dục xã hội vẫn là giải pháp dài hạn và triệt để nhất để người sử dụng lao động ý thức được lợi ích của việc đánh giá con người thông qua năng lực chứ không phải những yếu tố khác. Các thực hành tốt nhằm bảo vệ quyền lợi của người LGBTI từ một số doanh nghiệp tiên phong cần được khuyến khích và chia sẻ nhiều hơn trong các mạng lưới làm việc.

Chiến dịch Tôi Đồng Ý

Tôi Đồng Ý là chiến dịch vận động ủng hộ hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, được khởi động lần đầu tiên vào năm 2013. Năm 2022, Tôi Đồng Ý chính thức tái khởi động, đánh dấu chặng đường 10 năm lan tỏa và thúc đẩy ủng hộ hợp pháp hóa Hôn nhân cùng giới, với thông điệp chính “Hôn nhân không khuôn mẫu”. Sau 1 năm, chiến dịch đã ghi nhận hơn 40 ngàn chữ ký hợp lệ ủng hộ; và sự đồng hành của 17 vị Đại sứ là các nhân vật có sức ảnh hưởng tại Việt Nam, hơn 2000 sinh viên thuộc 10 trường Đại học khắp cả nước, và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Sang năm 2023, với mục tiêu đạt được tổng cộng 250 ngàn chữ ký ủng hộ hợp lệ và thúc đẩy các cuộc thảo luận chất lượng về lợi ích của việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, Tôi Đồng Ý tiếp tục mở rộng hoạt động kêu gọi đồng hành từ các tổ chức đồng minh, doanh nghiệp và công chúng khán giả cả nước, truyền tải thông điệp “Love is Love- Yêu là Yêu” bằng các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, truyền thông đại chúng qua trang mạng xã hội, các kênh báo chí và tổ chức các hoạt động vận động ký tên ủng hộ.

Tọa đàm “Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất nơi làm việc” trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng Tự hào Quốc tế và Chiến dịch Tôi Đồng Ý

Nhân dịp Tháng Tự hào Quốc tế và tiền sự kiện tái khởi động Chiến dịch Tôi Đồng ý năm 2023, kết quả nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBTI?” liên quan tới bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTI trong môi trường làm việc được công bố trong Tọa đàm “Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất nơi làm việc” với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đại diện phía Trung tâm ICS, bà Ngô Lê Phương Linh chia sẻ “ICS là một cơ hội để tạo ra thay đổi cho cộng đồng LGBTI tại Việt Nam. Có thể tạo những thay đổi nhỏ là giúp ng trong cộng đồng hiện diện hơn trước khi hiện diện trong xã hội. Với mong muốn hỗ trợ, đồng hành cùng các Doanh nghiệp để công bằng hơn với người LGBTI, trung tâm ICS tham gia nhiều vào các cuộc thảo luận về Bình đẳng giới. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận mới đơn thuần xoay quanh việc trao quyền cho nữ giới, nhưng chưa hề có không gian cho người trong cộng đồng LGBTI được cất lên tiếng nói của mình. Vì thế nên, mục tiêu của ICS khi có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong việc đưa ra các đề xuất chính sách đối với nhân viên là đưa tiếng nói, thảo luận bao hàm, bao gồm quyền lợi của người LGBTI vào các cuộc thảo luận đó”.

ICS khuyến khích doanh nghiệp triển khai xây dựng môi trường làm việc theo hai khía cạnh: (1) Tổ chức những buổi Training với sự tư vấn từ chuyên gia, (2) Xây dựng cấu trúc của tổ chức chống phân biệt đối xử và có hệ thống hỗ trợ liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử trong môi trường làm việc

Ông Ưng Hoàng Lợi, Media Director, Equality & Inclusion Leader, Tập đoàn P&G Việt Nam chia sẻ:

_Lợi có một vài yếu tố thuận lợi về môi trường. Một là, bản thân P&G Headquarter ở Mỹ đã có những chính sách và có những công cuộc đấu tranh cho người LGBTI bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Hai là, nhân viên của P&G đều có mindset và tầm nhìn rất cởi mở để chấp nhận những thay đổi mới ở xã hội.

_Tuy nhiên, khi mình đang sinh hoạt ở một tổ chức. Một trong những trở ngại khi sinh hoạt trong tập thể, là họ có những trở ngại về hành vi, ngôn ngữ để giao tiếp và đối xử bình đẳng với người LGBTI. Cụ thể là, một câu hỏi rất đơn giản khi mới gặp như “Có vợ chưa?”. Trong trường hợp bình thường, mọi người sẽ xem như đó là một câu hỏi rất bình thường để bắt đầu một cuộc trò chuyện, nhưng với người LGBTI, nó có thể là một câu nói chạm đến cảm giác phân biệt đối xử.

_ Một trong những cách Lợi làm để cải thiện những trở ngại về giao tiếp và đối xử bình đẳng với người LGBTI trong công ty, là mình kết hợp với các tổ chức để mang lại buổi Training về đa dạng giới ở công ty, giúp mọi người hiểu hơn cách

để đối xử với người LGBTI nhằm xây dựng môi trường làm việc đa dạng và cởi mở hơn.

_ Mình đang ở một đất nước đang phát triển, mặc dù đã có nhiều thay đổi về hiến pháp để ủng hộ cho người LGBTI, nhưng mình vẫn còn chậm hơn những quốc gia phát triển khác rất là nhiều. Một trong những điều rất thiết thực mà doanh nghiệp có thể làm đó là mình có thể đi trước xã hội một chút xíu để chủ động tạo ra những chương trình phù hợp với LGBTI.

_ Một trong những trở ngại cho người LGBTI, là khi có con thì họ không được nhận những chính sách thai sản như những nhân viên nữ. Tại P&G, Lợi làm một chính sách, tạm gọi là “Chính sách dành riêng cho phụ huynh”. Khi các bạn LGBTI có em bé, thì các bạn sẽ có 8 tuần nghỉ có lương để chính các bạn và gia đình sẽ được sinh hoạt như những bạn được hưởng chính sách thai sản.

_ Có một vấn đề rất đơn giản khác như bảo hiểm sức khỏe gia đình. Theo luật pháp, người trong gia đình cũng được hưởng chính sách về bảo hiểm sức khỏe như nhân viên của công ty. Nhưng người LGBTI thì không chứng minh được họ là gia đình hợp pháp để nhận quyền lợi đó, vì không có hộ khẩu hay đăng ký kết hôn. P&G đã đơn giản hóa vấn đề bằng cách cho nhân viên chứng minh đã sống chung với bạn đồng hành như một gia đình trên 6 tháng.

Đại diện Reckitt Việt Nam, Ông Nguyễn Phi Hùng, Marketing Manager chia sẻ:

_ Trước khi bắt đầu một chiến dịch Marketing thì mình phải giáo dục ở trong nhà trước. Tất cả các chiến dịch của Durex, trước khi ra ngoài thị trường thì đều phải được các anh chị trong nhà đồng ý đã. Nhưng để mọi người trong công ty đồng tình với những gì Durex làm, thì mọi người phải có chung kiến thức, hiểu biết, nền tảng giống nhau về LGBTI.

Mình phải cho mọi người biết sự hiện diện của cộng đồng LGBTI trong công ty, làm đúng lại những định kiến của mọi người về cộng đồng và chuẩn bị cho họ một nền tảng.

_ Trong quá trình xây dựng môi trường, mình triển khai theo tỉ lệ 70-20-10. 10% là training bài bản. 20% là những chia sẻ trong những nhóm nhỏ hơn. 70% là thảo luận và thắc mắc hàng ngày xoay quanh vấn để xây dựng môi trường ấy. Mọi người sẽ thực hành hàng ngày để có một nền tảng vững chắc. Sau khi mọi người đã hiểu rõ rồi, thì mình mới biết được trong cộng đồng đang có những khó khăn và thách thức gì

Giới thiệu về Corporate Tour trong khuôn khổ chiến dịch Tôi Đồng Ý

Chuỗi hoạt động Corporate Tour (Doanh nghiệp đồng hành cùng Tôi Đồng Ý) là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Tôi Đồng Ý. Tiếp nối hoạt động đồng hành với các nhóm, tổ chức hoạt động về quyền LGBT, khối trường học, báo chí và người nổi tiếng, năm 2023, Tôi Đồng Ý tiếp tục mở rộng kêu gọi sự đồng hành từ khối Doanh nghiệp, từ các hoạt động truyền thông nội bộ (chuỗi hội thảo, training về Đa dạng, Bình đẳng và Hòa hợp (Diversity, Equality and Inclusion) với nội bộ nhân viên các Doanh nghiệp), đến các hoạt động truyền thông ra bên ngoài (hợp tác cùng ra mắt sản phẩm có thông điệp ủng hộ hôn nhân bình đẳng, tổ chức sự kiện vận động ký tên ủng hộ Tôi Đồng Ý, v.v…).

Thông qua các hoạt động này, Doanh nghiệp sẽ cùng ký tên ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới; lắng nghe và cập nhập về chính sách hỗ trợ cho người LGBTI tại công sở; hiểu và cùng lan tỏa thông điệp ý nghĩa ủng hộ hôn nhân bình đẳng.